Các câu hỏi thường gặp và giải đáp

11:17 - 01 03 2021

NHỮNG CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VÀ GIẢI ĐÁP

  1. Mô tả về ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và cơ hội việc làm:

Xem chi tiết: tại đây

  1. Mô tả về ngành Kỹ thuật Máy tính và cơ hội việc làm

Xem chi tiết: tại đây

  1. Ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và ngành Kỹ thuật Máy tính có phù hợp với nữ?

Hiện nay, trên thế giới và riêng tại Việt Nam đang có xu hướng khuyến khích bình đẳng giới trong lĩnh vực kỹ thuật. Vai trò công việc và cơ hội thăng tiến giữa nữ và nam ngày càng trở nên bình đẳng hơn. Riêng đối với ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và ngành Kỹ thuật Máy tính, các kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành hoàn toàn không phân biệt giới tính. Các sinh viên nữ sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và ngành Kỹ thuật Máy tính hoàn toàn có cơ hội việc làm như đối với sinh viên nam.

  1. Sự khác biệt giữa ngành Kỹ thuật Máy tính và Công nghệ thông tin

Ngành Kỹ thuật Máy tính thuộc nhóm ngành Công nghệ thông tin, tập trung vào sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm, dùng phần mềm để khai thác các thiết bị phần cứng một cách hiệu quả. Ngoài ra, ngành Kỹ thuật Máy tính còn quan tâm đến xử lý tín hiệu/dữ liệu thu được từ các thiết bị phần cứng, kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để hướng đến một hệ thống hữu ích hoàn thiện.

  1. Ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (Chất lượng  cao) có phải học bằng tiếng Anh?

Đa số các môn học của Chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (Chất lượng cao) được giảng dạy bằng tiếng Việt. Ngoài ra, chúng tôi cam kết ít nhất 20% kiến thức chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh. Và khối kiến thức chuyên ngành này nằm ở cuối năm thứ 3. Tại thời điểm này, nếu sinh viên tuân thủ lộ trình đảm bảo năng lực tiếng Anh của Nhà trường thì hoàn toàn có thể lĩnh hội được. Như vậy, trong các năm đầu, sinh viên học tập các môn bằng tiếng Việt.

Lưu ý thêm như sau. Vào năm học đầu tiên, sinh viên chất lượng cao được Nhà trường hỗ trợ các khóa học nâng cao năng lực tiếng Anh. Và hằng năm đều giám sát năng lực tiếng Anh của sinh viên thông qua các kỳ thi đánh giá để đảm bảo sinh viên đạt được chuẩn tiếng Anh đầu ra.

  1. Ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông có học về lập trình nhiều không?

Trong CTĐT của ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, khoảng 30% khối lượng kiến thức liên quan đến lập trình, chưa tính đến các kiến thức về lập trình sinh viên cần phải tìm hiểu trong quá trình thực hiện các dự án, đồ án. Các kiến thức liên quan đến lập trình bao gồm kỹ thuật lập trình trên máy tính, kỹ thuật lập trình cho phần cứng như vi điều khiển, vi xử lý, lập trình hệ thống nhúng, cấu hình mạng, lập trình trong cho các mô hình học máy trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo,…

  1. Ngành Kỹ thuật Máy tính có phải là sửa máy tính (PC)?

Thuật ngữ “Máy tính” trong ngành Kỹ thuật Máy tính được hiểu theo nghĩa rộng là hệ thống phần cứng nói chung, chứ không chỉ là máy tính (PC) cụ thể thường gặp. Hệ thống phần cứng bao gồm các hệ thống nhúng (như trong các thiết bị trên xe ô-tô, rô-bốt, các thiết bị/hệ thống IoT,…), máy tính (PC), hệ thống máy tính lớn,… Ngành Kỹ thuật Máy tính tập trung vào sự kết hợp giữa phần cứng và phần mềm, dùng phần mềm để khai thác các thiết bị phần cứng một cách hiệu quả.

  1. Có cần phải biết trước/giỏi về Tin học mới học được ngành Kỹ thuật Máy tính?

Các bạn chỉ cần đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật Máy tính, cộng với đam mê, thì có thể sẽ học tốt ngành này. Trong quá trình học, các bạn sẽ dần dần tích lũy một dải kiến thức rộng (chứ không chỉ Tin học) như khoa học cơ bản (Toán+Lý), điện tử, công nghệ thông tin, xử lý tín hiệu… để có thể làm việc trong lĩnh vực Kỹ thuật Máy tính.

  1. Ngành Kỹ thuật Máy tính có học về lập trình nhiều không?

Trong CTĐT của ngành Kỹ thuật Máy tính, khoảng 50% khối lượng kiến thức liên quan đến lập trình, chưa tính đến các kiến thức về lập trình sinh viên cần phải tìm hiểu trong quá trình thực hiện các dự án, đồ án. Các kiến thức liên quan đến lập trình bao gồm kỹ thuật lập trình trên máy tính, kỹ thuật lập trình cho phần cứng như vi điều khiển, vi xử lý, lập trình hệ thống nhúng, lập trình trong cho các mô hình học máy trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo,…

  1. Ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và ngành Kỹ thuật Máy tính khác nhau như thế nào?

Ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông tập trung vào mảng kiến thức liên quan đến Điện tử và Viễn thông. Trong khi đó, ngành Kỹ thuật Máy tính tập trung vào mảng Máy tính và Điện tử. Trong ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông có chuyên ngành Hệ thống Máy tính cung cấp một số kiến thức gần với ngành Kỹ thuật Máy tính tuy nhiên mức độ chuyên sâu không tương đương nhau.